NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | TÌNH HUỐNG TRUYỆN "LẶNG LẼ SA PA"

Ngày 24/05/2021 16:13:04, lượt xem: 33181

ĐỀ BÀI: Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Tình huống truyện là lát cắt là khúc của đời sống. Nhưng qua đó ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc”. Chứng minh ý kiến trên qua tình huống truyện trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của nhà văn Nguyễn Thành Long.

 


BÀI LÀM

Varonin đã từng viết: “Cả tư tưởng, cả tính cách nhân vật cũng chưa làm nên truyện ngắn thực thụ. Còn phải nói cái này nữa: giọng điệu, cái nhạc tính của tâm trạng, cái khiến cho người đọc không ngừng nảy sinh những liên tưởng, những cảm xúc, thiếu nó, không thể có nghệ thuật.” Có phải chăng với những yếu tố đó đã đủ làm nên thành công vang dội cho một tác phẩm truyện? Bằng cách nào mà chỉ vài trang truyện mà truyện ngắn có thể truyền tải những cảm xúc mãnh liệt, ồ ạt cuộn trào như thác lũ! Là trái tim người đọc đa sầu đa cảm hay bản thân truyện ngắn có một phép màu? Phép màu ấy phải chăng là tình huống truyện tạo ra. Có lẽ vì lẽ đó mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nhận xét rằng: “Tình huống truyện là lát cắt là khúc của đời sống. Nhưng qua đó ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc.”. Qua tình huống truyện của tác phẩm “Lặng lẽ Sapa”, ta sẽ phần nào hiểu rõ hơn về câu nói đầy ý nghĩa ấy.


Lời nhận định của Nguyễn Minh Châu khiến ta có những ấn tượng ngay từ lần đọc đầu tiên khi nhà văn đưa ra định nghĩa mới mẻ về tình huống truyện. Nhưng thật ra, tình huống truyện là gì? Tình huống truyện là hoàn cảnh, không gian, thời gian diễn ra những sự kiện đặc biệt, thông qua hoàn cảnh đó góp phần bộc lộ tính cách nhân vật cũng như nội dung tư tưởng của tác phẩm. Nếu nhân vật là những diễn viên chính với khả năng diễn xuất tài tình làm nên  thành công của một vở kịch thì tình huống truyện lại là nhân tố thầm lặng quan trọng giúp người diễn viên ấy tỏa sáng trên ánh đèn sân khấu. Chính vì vậy, tình huống truyện là hạt nhân quan trọng không thể thiếu. Nếu xem đời sống, hiện thực cuộc sống là một cái gì đó rất hữu hình cụ thể, như một cái cây thì chặt một khúc cây, một lát gỗ ấy, ta có tình huống truyện. Vậy lát cắt tình huống truyện ấy sẽ như thế nào? Tất nhiên sẽ rất ngắn gọn, bé nhỏ hơn nhiều so với đời sống. Đơn giản chỉ là một lát cắt, một khúc nhưng từ một khúc ấy, người ta vẫn thấy được “trăm năm đời thảo mộc”, nghĩa là tuy chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng lại giúp người ta hình dung được diện mạo toàn thể của cả đời sống. Người làm lý luận hình dung tình huống truyện như một nhà tổ chức đối với toàn bộ thiên truyện. Tình huống truyện ấy vẫn được hiểu như một loại sự kiện đặc biệt của đời sống được sáng tạo theo hướng lạ hóa.  Tác giả sẽ được bạn đọc biết đến khi sáng tạo được một tình huống đặc sắc bởi như vậy  là đã có được một tiền đề khá chắc chắn cho thành công của một truyện ngắn. Còn với người đọc, nắm được tình huống truyện thì xem như một chìa khóa tin cậy để khám phá thế giới bí ẩn của một tác phẩm văn học.


Bước vào trang văn của Nguyễn Thành long, độc giả dễ nhận ra tình huống truyện của “Lặng lẽ Sapa”. Thiên truyện được xây dựng quanh một tình huống truyện đơn giản nhưng không kém phần tự nhiên và ẩn chứa những bài học, thông điệp sâu xa mà tác phẩm muốn truyền tải. Đó chính là cuộc gặp gỡ tình cờ của anh thanh niên làm việc một mình ở trạm khí tượng với bác lái xe, ông họa sĩ và cô kỹ sư. Cuộc trò chuyện chớp nhoáng, vội vàng trong chốc lát khi ông họa sĩ già và cô kỹ sư đất Hà thành kìa lên thăm nơi ở, nơi làm việc của anh. Tuy  thời gian diễn ra rất ngắn nhưng tình huống gặp gỡ giữa ba con người này  đã tạo thuận lợi để tác giả tập trung khắc họa bức chân dung anh thanh niên - nhân vật chính của tác phẩm thông qua đôi mắt của người họa sĩ già và các nhân vật khác, đồng thời qua chính lời lẽ của nhân vật anh thanh niên. Chỉ với sự quan sát và cảm nhận ngắn ngủi trong vài chục phút đồng hồ ấy, Nguyễn Thành Long đã làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm: “Trong cái im lặng của Sapa, dưới những dinh thự cũ kỹ của Sapa, Sapa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Một tình huống không bất ngờ, giật gân, hay lạ và độc đáo như các truyện khác nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn, rất nhẹ nhàng mà sâu sắc, đáng để ta phải suy ngẫm.


Qua tình huống truyện, nhà văn Nguyễn Thành Long đã làm bộc lộ chất thơ của tác phẩm. Truyện ngắn nhưng lại tựa như những vần thơ sâu lắng, là chất thơ ca ngợi con người bình dị mà cao quý. “Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử nhiều gian khổ và hy sinh nhưng cũng đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật”. Những con người đó, những con người đang lao động âm thầm lặng lẽ, đầy trách nhiệm để cống hiến hết mình cho đất nước, cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm của thế kỷ XX. Anh thanh niên hay hay bạn trên trạm đỉnh Phan-xi-păng trong truyện kia đều là những lớp người mà thế hệ trẻ ngày nay cần phải noi theo, học hỏi.


Về với mảnh đất quanh năm mây mù sương phù với những con người hiền lành chất phác, ta bắt gặp một lát cắt của đời sống đầy đặc sắc. Ta có thể thấy rõ ràng tình huống truyện ngắn gọn, súc tích, đúng nghĩa với “một khúc”. Có nhiều nhặn gì đâu khi chỉ một cuộc trò chuyện cũng đủ nói lên tất cả ý nghĩa của tác phẩm. Tất cả những gì tưởng như rộng lớn nhất, bao quát nhất trên khung trời Sapa rộng lớn ấy đã được Nguyễn Thành Long khéo léo thu nhặt, cắt xẻ gọn gàng nhưng lại mang ý nghĩa sâu xa. Anh thanh niên trong chuyện đã ánh lên những vẻ đẹp sáng ngời, phẩm chất cao cả của thế hệ trẻ thanh niên thời chống Mỹ cứu nước. Đúng như tác giả Nguyễn Minh Châu nói, qua tình huống truyện, ta thấy được trăm năm đời thảo mộc. Bằng một tình huống truyện giản đơn, nhà văn đã cho ta thấy một thế hệ người thầm lặng cống hiến cho tổ quốc, góp mùa xuân nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của đất nước, của dân tộc. Cùng thời với tác phẩm “Lặng lẽ Sapa”, ta còn bắt gặp hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong làm việc trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa trong “Những cô gái xa xôi” của nữ nhà văn Lê Minh Khuê. Không ai bắt ép, những người con gái đó đã tự nguyện xả thân vì độc lập của đất nước, vì hòa bình của nhân dân. Anh thanh niên hay những cô du kích, tất cả họ đều là những bông hoa sắc hương trong vườn hoa văn học tiêu biểu cho lớp người hy sinh thầm lặng với những phẩm chất cao đẹp. Ngày nay, khi nhìn lại quá khứ, ta càng phải biết trân trọng những gì mình có ở hiện tại, phải biết đóng góp công sức của mình xây dựng đất nước phát triển giàu đẹp để xứng đáng với lớp người trong lịch sử dân tộc.


Thời gian là kẻ thù của trí nhớ và những người hay hoài niệm. Thuận theo dòng chảy của nó, vạn vật đều nằm yên như chiếc lá tĩnh lại nơi gốc cây. Chỉ có nghệ thuật là còn sống mãi: “Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Những trang văn cứ thế thấm dần vào trái tim con người qua từng giây, từng phút, những thiên truyện cứ thế đọng lại trong lòng người đọc những thông điệp sâu sắc bởi những tình huống truyện đầy triết lý vì “Tình huống truyện là lát cắt là khúc của cuộc sống. Nhưng qua đó ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc”. Để có những tình huống truyện như vậy, nó còn là sự kết tinh của tâm hồn đa cảm, khối óc miệt mài và những trái tim ấm nóng của những người nghệ sĩ - những nhà văn chân chính.

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan